Thế giới sách
Cho trẻ niềm vui tư duy
Anh Chi | TUOITRE.VN
Một ngày con bạn bỗng cắc cớ thắc mắc: "Mẹ ơi, vì sao bà ngoại hay quên?". Bạn sẽ trả lời làm sao, chắc là: "Vì bà đã già, ai mà già cũng sẽ hay quên". Con bạn lại nói tiếp: "Thế có cách nào để không già để khỏi quên không mẹ?"...
Câu nọ nối tiếp câu kia, và trẻ con mà, thường hay hỏi, và đã hỏi thì sẽ hỏi tới cùng, tới mức mà người lớn chỉ còn cách trả lời là: "Lớn lên và chăm học thì con sẽ biết".
Những câu trả lời như thế chắc chắn không làm bọn trẻ hài lòng... và vì thế rất nên tìm cách trả lời thấu đáo, hơn thế nữa là gợi ý cho trẻ tự tìm ra những câu trả lời!
Với mục tiêu đó, các nhà triết học Myriam Revault d'Allonnes, Brigitte Labbé và đội ngũ nhiều nhà tư tưởng, triết học, nhà văn, họa sĩ cùng góp tay thực hiện những cuốn sách về triết học dành cho trẻ em... Tin vui cho các ông bố bà mẹ Việt Nam là mới đây, những cuốn sách này đã xuất hiện ở Việt Nam với hai tên gọi Thú vui tư duy (NXB Tri Thức) và Nhâm nhi triết (NXB Thanh Niên).
Không bằng cách tiếp cận dọc theo tiến trình lịch sử triết học như lâu nay vẫn thấy ở các sách triết học, hay nói về cuộc đời các triết gia và đề tài của họ, hay theo kiểu chủ nghĩa duy vật là gì, chủ nghĩa duy tâm ra sao; những trang sách triết học dành cho trẻ em này chọn cách tiếp cận thông qua việc trả lời những câu hỏi mà chính trẻ em vẫn hay thắc mắc với người lớn mỗi ngày.
Ví dụ để nói chuyện thế nào là cái đẹp, tác giả đưa ra một ví dụ: bé Anna rất cưng một con gấu bông cũ kỹ, rách nát, mất một chân, nửa tai, không còn mắt... vì đó là đồ chơi cưng của bé và bé thấy nó đẹp (chứ nếu chú gấu bông này nằm ở một cửa hàng nào đó chắc gì Anna ngó ngàng đến). Và từ ví dụ ấy, tác giả gợi mở: "Tình yêu, lòng trìu mến mà chúng ta có đối với các đồ vật hay con người đã cho các đồ vật ấy và con người ấy một vẻ đẹp. Tựa hồ các tình cảm đã làm cho chúng ta nhìn ra một vẻ đẹp không thể nhìn thấy bằng mắt thường được" (trích từ Ðẹp và xấu).
Tương tự là việc trả lời thấu đáo những câu hỏi: Tại sao con người gây ra chiến tranh? Tự do là gì? Con người là gì? hoặc mổ xẻ, lý giải những vấn đề mà ngay cả người lớn cũng lắm lúc nhức đầu như Thành công và thất bại, Tự do và không tự do, Tự hào và xấu hổ ...
Bằng những hình vẽ minh họa gợi nhiều tưởng tượng, những trích dẫn xác đáng từ các tác phẩm văn học, những ví dụ như chính câu chuyện hằng ngày, những câu chữ hóm hỉnh, có cả ghi chú chi tiết và chỉ dẫn đầy đủ (bộ sách Thú vui tư duy), hay gợi ý thảo luận tỉ mỉ (bộ sách Nhâm nhi triết), và bằng cả hình thức phù hợp (mỏng, in đẹp, khổ sách nhỏ gọn), cả hai bộ sách dẫn dắt các em đến được mục tiêu: tìm được câu trả lời và hơn thế nữa là biết cách tự tìm câu trả lời.
YBOOK.vn
- CÁC TIN BÀI KHÁC
-
Nguyễn Phong Việt - ngồi đâu đó ghi chép lòng người (19/10/2020)
Trương Bảo Châu | TUOITRE.VN
"Chúng ta sống có vui không?" - Quyển tản văn dễ thương như một lời an ủi, xoa dịu nội tâm trong một ngày nhọc nhằn.
-
Mùa lụt đọc Ăn để nhớ (16/10/2020)
Phạm Vũ | TUOITRE.VN
Ăn để nhớ, nhưng ở đây không có đặc sản thời trân, không có sơn hào hải vị. Đây là những mắm, những cà, những canh, những cá từ rau quả vườn nhà, bờ giậu, từ chợ quê mùa rộ giá rẻ như cho.
-
Những chuyện bên lề của văn học Sài Gòn (13/10/2020)
Trần Văn Chánh | TUOITRE.VN
Cuốn sách mới nhất của Lê Văn Nghĩa không phải một tập chuyên khảo về văn học miền Nam được biên soạn một cách hệ thống như một cuốn văn học sử cận - hiện đại.
-
Sống tối giản: Sở hữu ít đi bạn sẽ được nhiều hơn (05/10/2020)
H.P.L | TUOITRE.VN
Sở hữu nhiều của cải từng được cho là thước đo của thành công và hạnh phúc. Tuy vậy, nhiều người đã chứng minh ngược lại: Càng có ít lại càng được nhiều hơn.
-
Trang sách cũ phiến bia xưa: Du hành vào thế giới chữ nghĩa tiền nhân (05/10/2020)
Khánh Vân | TUOITRE.VN
Trang sách cũ, phiến bia xưa của hai nhà nghiên cứu Phan Mạnh Hùng, Nguyễn Đông Triều là một chuyến tàu đưa độc giả thời nay về những trạm ga văn chương quá khứ ở vùng đất Nam Bộ.