Làng ta
Thơ thiền Lê - Nguyễn ra mắt sau 12 năm thực hiện
Lam Điền | TUOITRE.VN
Nhà thơ Nguyễn Duy vừa ra mắt tập 'Thơ thiền Lê - Nguyễn' tại Thư viện Khoa học Tổng hợp sáng 28-8, giới thiệu 30 tác phẩm của 30 tác giả Việt Nam trong hai triều đại hậu Lê và Nguyễn.
Công trình tưởng giản đơn nhưng nhà thơ Nguyễn Duy và nhóm cộng sự gồm Nguyễn Bá Chung (chủ biên - dịch giải), Sam Hamill (dịch bản dịch thơ Việt sang Anh ngữ), Nguyễn Duy Sơn (hình ảnh), Võ Anh Thơ (thiết kế mỹ thuật) đã mất ngót 12 năm.
Đến nay khi tác phẩm ra đời, có hai người trong nhóm đã giã biệt cõi trần: Nguyễn Duy Sơn và Sam Hamill.
Chuyến tìm về minh triết Việt
Mất mười hai năm để dịch và ra mắt 30 bài thơ, công việc kỳ khu tỉ mẩn này kể cũng tương tự như tiến độ "Nhị cú tam niên đắc" (hai câu làm mất ba năm) của nhà thơ Giả Đảo đời Đường. Nhưng, quả thật đây là một cuộc đầu tư tâm lực trí tuệ và tiêu pha cảm hứng thật đáng. Bởi thơ thiền là một mảng nội dung đặc biệt quý giá của văn học Việt Nam.
Nguyễn Duy tâm sự rằng ông từng ôm mộng sẽ làm ba tập, với tập cuối là thơ thiền đương đại, nhưng tại buổi ra mắt lần này ông tự thấy mình đã không còn nhiều sức khỏe, không biết có tiếp tục được hay chăng.
Dù sao, nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có mặt tại buổi ra mắt sách, Nguyễn Duy và các cộng sự dày công tuyển dịch thơ thiền của tiền nhân chính là một chuyến tìm về minh triết Việt: "việc tìm lấy những minh triết Việt trong thiền sẽ là một chỉ dẫn để người Việt đi tới chỗ hạnh phúc".
Về phần mình, Nguyễn Duy cho rằng chỉ làm ba mươi bài thơ của ba mươi tác giả thôi, mà kỳ công quá. Kỳ công cũng phải, bởi thơ thiền của các cụ đời Lê - Nguyễn không chỉ là thơ, mà chứa đựng trong công việc này là các vấn đề văn bản học, khả năng thẩm thấu thiền lý, cảm nhận tình cảm của người xưa, và còn có cả những khuất lấp của lịch sử.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá cao bản dịch thơ thiền Lê - Nguyễn - Ảnh: L.Điền
Nguyễn Trãi đi Trung Quốc vào những năm nào?
Tập này mở đầu bằng bài Du Nam Hoa tự của Nguyễn Trãi, giáo sư Cao Huy Thuần khi đọc sách, đã nêu thắc mắc rằng: "Nam Hoa là ngôi chùa lớn ở huyện Khúc Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Hồi nhỏ tôi học sử, ghi tạc trong lòng câu nói của Nguyễn Phi Khanh - thân phụ Nguyễn Trãi - khi bị quân Minh bắt giải qua Tàu. Đến ải Nam Quan, thấy Nguyễn Trãi đi theo khóc, Phi Khanh nói: "Con trở về, báo thù cho cha, rửa nhục cho nước, đi theo khóc lóc mà làm gì?" Vậy Nguyễn Trãi đi qua Tàu lúc nào mà viếng Nam Hoa tự?".
Đó là từ xuất xứ một bài thơ đụng đến các khuất lấp của lịch sử. Tư liệu ghi chép hành trạng của tiền nhân ở ta bị thất lạc quá nhiều, cho nên, bây giờ nêu vấn đề "Nguyễn Trãi đã từng đi Trung Quốc vào những năm nào trong đời" thì thật nan giải.
Tại buổi ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Duy trình bày rằng ông cũng có tìm hiểu chi tiết này, và ông từng đọc được một bài viết trên mạng, rằng thực ra Nguyễn Trãi có đi theo cha vào sâu trong đất Trung Quốc, cụ thể là đến Nam Kinh, cho nên chữ "thành Nam" trong câu thơ "Góc thành Nam lều một gian" là chỉ thành Nam Kinh.
Và Nguyễn Trãi ở với cha cho đến khi Nguyễn Phi Khanh mất thì ông mới về nước, nên những bút tích liên quan đến Trung Quốc của Nguyễn Trãi đều làm trong giai đoạn này.
Dù vậy, Nguyễn Duy cho biết đến nay tìm lại bài viết quan trọng kia thì không thấy nữa (!). Mà khi làm sách toàn tập về Nguyễn Trãi, chính các vị giáo sư, chuyên gia trong nước cũng đành để lại một khoảng mờ tương đương mười năm trong cuộc đời Nguyễn Trãi chưa làm rõ được.
Nhưng những vất vả của người soạn sách như trên, rốt cuộc vẫn là chuyện bên lề. Điều chính yếu là tập thơ thiền giới thiệu với bạn đọc hôm nay chính là một sự đồng điệu giữa người nay với người xưa, giữa thời buổi công nghệ vượt bật và tinh thần tĩnh lặng thể nhập chân như.
Giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Như Phương chúc mừng nhà thơ Nguyễn Duy và khích lệ nên tiếp tục làm tập thơ thiền đương đại - Ảnh: L.Điền
"Thơ hay mới chọn"
Theo Nguyễn Duy, thơ thiền ở đây được hiểu là "thơ nói đến sự tĩnh tâm, thảnh thơi, thanh thản của con người, sống ôn hòa với cuộc đời, với thiên nhiên... tính thiền là như vậy". Và khi tuyển chọn, Nguyễn Duy cũng cho biết ông không đặt ra tiêu chuẩn cụ thể để chọn ai, bài nào, mà cốt yếu "bài nào mình thấy hay thì mình chọn".
Đây cũng chính là một cam kết có trách nhiệm với người đọc: thơ hay mới chọn. Hơn thế, chọn rồi còn phải dịch cho hay.
Thế cho nên, mất 12 năm mới có bản dịch thơ thiền Lê - Nguyễn này, chúng ta có thể vui mừng khi bắt gặp nhiều bài được chuyển dịch thật đắt như hai câu của Nguyễn Trãi "Môn tiền nhất phái Tào Khê thủy/ Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần" được dịch là "Tào Khê tuôn chảy một dòng/ Tẩy cho muôn kiếp sạch bong bụi trần" có thể thấy dịch giả đã đem chữ bong để chuyển ý chữ tận trong nguyên tác.
Hay như hai câu của Cao Bá Quát "Tứ diện vân sơn nhàn chỉ cố/ Bách niên nhân thế kỷ hưng suy" được dịch thành "Tha hồ ngắm nghía núi mây/ Trăm năm hưng phế mấy đầy mấy vơi" rất gần gũi với lời ăn tiếng nói dân gian hiện đại.
Lại còn cả dư vị đằng sau con chữ, người đọc hôm nay nếu có chút lòng, hẳn sẽ tìm thấy ở quyển Thơ thiền Lê Nguyễn thấp thoáng ẩn hiện nhiều câu chuyện thật đáng kể của tiền nhân.
Như tiếp tục cuộc chơi của tập Thơ thiền Lý Trần từng ra mắt và được đón nhận nhiệt tình cả trong và ngoài nước hồi năm 2005 - 2007, tập Thơ thiền Lê - Nguyễn lần này cũng được thiết kế mỹ thuật, các trang in kèm hình ảnh đẹp, mỗi bài thơ của từng tác giả có nguyên tác chữ Hán, dịch nghĩa và phần dịch thơ có cả tiếng Việt và tiếng Anh - Ảnh: L.Điền
YBOOK.vn
- CÁC TIN BÀI KHÁC
-
'Nêm' chút ân cần cho đời sống (12/06/2020)
Ánh Văn (thực hiện) | TUOITRE.VN
Tập sách 'Bầu cua tôm cá chơi chơi - ăn và yêu' của Chương Đặng kể chuyện người nêm - người nếm thức ăn trong căn nhà nhỏ, ở băng ghế công viên, nơi bệnh viện... dù nơi nào vẫn ngập tràn tình cảm trìu mến, ngọt ngào.
-
Nhiều cuốn sách phát hành 'thần tốc' vào mùa dịch (11/06/2020)
Thanh Hoa | TUOITRE.VN
Trong những ngày tháng cả thế giới dường như ngừng lại bởi dịch Covid-19, nhiều tác giả và nhà xuất bản Việt Nam đã bắt tay vào việc viết và phát hành các ấn phẩm nói về chính giai đoạn ấy.
-
Cuốn sách Dịch bệnh: nguy hiểm thật và báo động sai bán chạy (30/03/2020)
Trường Lân | TUOITRE.VN
Giữa lúc đại dịch COVID-19 đang hoành hành tại Pháp, NXB Michel Lafon tung ra 12.000 bản quyển Épidémies: vrais dangers et fausses alertes (Dịch bệnh: nguy hiểm thật và báo động sai, ảnh) của giáo sư vi sinh học Didier Raoult.
-
Tĩnh tâm khép cửa đọc sách (20/03/2020)
Thiên Điểu | TUOITRE.VN
Khi thế giới chìm trong âu lo với dịch COVID-19, những người dân Ý, Vũ Hán (Trung Quốc) chọn cách hát lên để nâng đỡ tinh thần nhau. Còn ở Việt Nam, nhiều người đang chọn liệu pháp tinh thần là 'giữ lòng tĩnh lặng, đóng cửa đọc sách'.
-
Người mua sách online tăng cao bất ngờ trong mùa corona (11/03/2020)
Lam Điền | TUOITRE.VN
Trong khi ảnh hưởng corona gây nhiều hệ lụy cho ngành kinh tế, một thực tế ghi nhận được là lượng độc giả mua sách online tăng nhanh như một cách để hạn chế đến nơi đông người.