Thế giới sách
Vượt qua thử thách trước biến động
Lê Đình Chi | TUOITRE.VN
Những quốc gia còn tồn tại được tới ngày nay cũng đều có đặc điểm chung là cho tới lúc này, tốt xấu gì họ cũng đã vượt qua được các biến động gặp phải trong lịch sử tồn tại của mình.
Với trên 200 quốc gia và hơn 7 tỉ con người, số bài học kinh nghiệm khi đương đầu với đổi thay, khủng hoảng quả là một con số không nhỏ, kể cả trên tầm quốc gia. Một kho kinh nghiệm đồ sộ chờ được khai thác, nghiên cứu.
Và Jared Diamond đã bắt tay vào lần giở kho kinh nghiệm đó trong cuốn sách lịch sử pha lẫn nhân chủng học, địa chính trị... mà ông cho ra mắt năm 2019: Biến động - Các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào? Sách do Nguyễn Thanh Xuân dịch, vừa được Omega Plus và NXB Thế Giới ấn hành bản tiếng Việt tại Việt Nam.
Lấy một khoảng thời gian đủ dài gần 200 năm gần đây, Diamond đã đi sâu vào phân tích nguyên nhân, hệ quả của cách thức sáu quốc gia khác nhau đã hành động vào sáu "khoảnh khắc sự thật" mà các quốc gia này phải đối diện và bắt buộc phải có lựa chọn.
Tôi mê mệt mọi thứ Jared Diamond viết ra, và cuốn sách này không là ngoại lệ. Ông ấy chỉ ra cho chúng ta con đường vượt qua biến cố và chúng ta có thể lựa chọn đi theo nó.
Bill Gates
Chúng ta sẽ tìm thấy ở cuốn sách này đủ cung bậc khác nhau của các quốc gia trước cơn bão tố.
Một quốc gia với dân số, tiềm lực quốc phòng hạn chế, không thể trông mong vào bất cứ đồng minh nào như Phần Lan sẽ phải làm gì để tồn tại được mà vẫn giữ vững chủ quyền quốc gia, các giá trị quan trọng của dân tộc khi chung đường biên giới trên bộ dài nhất châu Âu với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay?
Nước Đức, dân tộc Đức, trở thành tội đồ trong mắt cả thế giới sau Thế chiến thứ hai, thất trận, bị tàn phá, kiệt quệ về mọi mặt, lãnh thổ bị cắt xẻ.
Người Đức đã làm thế nào để lấy lại cho mình một chỗ đứng trên thế giới, để tạo ra một tương lai cho đất nước, đã chấp nhận hi sinh những gì, đã nhìn nhận sai lầm của mình ra sao để từ đống tro tàn trở lại là nền kinh tế hàng đầu châu Âu?
Tại sao vào nửa sau thế kỷ 19, trước chính sách "ngoại giao pháo hạm" của phương Tây, chỉ mình nước Nhật thức tỉnh đúng lúc, để rồi chuyển mình ngoạn mục trở thành một cường quốc vào đầu thế kỷ 20?
Chile - quốc gia có nền chính trị được coi là lành mạnh nhất Mỹ Latin và duy trì được truyền thống dân chủ liên tục ổn định ngoại lệ ở khu vực này suốt từ khi lập quốc cho tới tận năm 1973 - tại sao chỉ sau một cuộc đảo chính quân sự bỗng trở thành chế độ độc tài tàn bạo bậc nhất Mỹ Latin với những vết thương ám ảnh cả một dân tộc? Và bằng cách nào đất nước Nam Mỹ này thoát khỏi giai đoạn quá khứ đau buồn đó?
Ở bên kia bán cầu, Indonesia lại là một ví dụ nữa về một quốc gia được định hình theo cách không tự nhiên nhất có thể mường tượng ra: theo chính sách thực dân của Hà Lan.
Làm thế nào quốc gia không có di sản, không có truyền thống lâu đời này tạo dựng cho mình một diện mạo, một căn tính trong thời gian ngắn, và biến chuyển lớn lao quá chóng vánh đó đã khiến Indonesia phải trả giá như thế nào?...
Đây chỉ là một vài trong những trang lịch sử được Diamond giở lại và phân tích với cách tiếp cận đa biến số để làm sáng tỏ mối quan hệ nhân - quả giữa hành vi đối phó (hay tốt hơn là dự phòng) khủng hoảng và tình hình hậu khủng hoảng.
Trước những ví dụ "quốc gia trước khoảnh khắc bước ngoặt", độc giả có thể thấy không phải quốc gia nào cũng luôn thành công trong việc xử lý khủng hoảng.
Có những lúc sai lầm trong quá khứ trở thành tấm gương để đúng đắn trong tương lai. Cũng có lúc những "phẩm chất cốt lõi" giúp một quốc gia vượt qua cơn bão tố này lại trở thành tảng đá buộc chân khiến họ khốn đốn trong một cơn bão tố khác.
Và với tất cả các dân tộc, quốc gia, hay cá nhân đủ may mắn để còn có ngày mai, chờ đợi họ phía trước vẫn luôn là những thách thức.
Vượt qua thách thức chính là niềm hạnh phúc chỉ dành cho các quốc gia, dân tộc, cá nhân có đủ năng lực thích nghi để còn tồn tại.
Đó cũng là thông điệp thực tế song cũng đầy lạc quan mà Jared Diamond gửi tới độc giả trong cuốn sách mới nhất của ông "Biến Động", lần lại cuộc hành trình vừa làm mới vừa gìn giữ bản ngã của chính mình để vượt qua thử thách của các dân tộc.
Jared Diamond (sinh năm 1937) là nhà khoa học Mỹ và tác giả nổi tiếng với các tác phẩm: Súng, Vi trùng và Thép; Sụp đổ; Thế giới cho đến ngày hôm qua; Loài tinh tinh thứ 3... Ông được xem là một trong những nhà tư tưởng hiện đại có nhiều ảnh hưởng nhất ở Mỹ.
YBOOK.vn
- CÁC TIN BÀI KHÁC
-
3 tác phẩm của Đoàn Minh Phượng: Cái đẹp giữa thế giới bất an (18/09/2020)
Lam Điền | TUOITRE.VN
Thế giới tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng trong Đốt cỏ ngày đồng khởi từ cái đẹp. Người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp để làm ra tác phẩm cũng như thêm một lần làm sinh sôi cái đẹp cho đời.
-
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng của sư ông Thích Phước An (10/09/2020)
Lam Điền | TUOITRE.VN
Các văn sĩ trí thức của miền Nam một thời lần lượt xuất hiện trong tập sách Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng, vừa ra mắt của sư ông Thích Phước An - người cuối cùng của thế hệ tao nhân mặc khách còn bám trụ nơi đồi Trại Thủy - Nha Trang.
-
Những cuộc đời còn... nóng hổi trong truyện ngắn của Trần Trà My (04/09/2020)
Lam Điền | TUOITRE.VN
Với tập sách thứ 5 trình làng, 'Bản tình ca cuộc sống' của Trần Trà My có thể xem là một tâm sự về những 'hoàn cảnh truyện' - những duyên do khiến tác giả đưa những câu chuyện từ thực tế vào trang viết.
-
Bắc cầu vào giấc mộng (04/09/2020)
Huỳnh Trọng Khang | TUOITRE.VN
Với Dưới mái hiên đêm, những khách lạ (Phanbook và NXB Đà Nẵng), Hiền Trang - cây bút của chuyên mục Lá thư âm nhạc trên báo Tuổi Trẻ - mang sự uyên bác ở lĩnh vực âm nhạc, văn học, phim ảnh vào những truyện ngắn được đan dệt giữa thực và ảo.
-
Một đêm của Trịnh Xuân Thuận: Ấn tượng mãnh liệt đến choáng váng (31/08/2020)
Minh Phúc | TUOITRE.VN
Từ đỉnh ngọn núi thiêng Mauna Kea ở độ cao 4.207m, một trong những nơi tối nhất trên thế giới để quan sát bầu trời, nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận đã ngắm đêm tối.