Góc nhìn văn hóa
Thị trường ngợp sách đen
Tường Vy | SGGP.ORG.VN
Trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong nước, được bàn nhiều nhất thường là "làm sao để kêu gọi mọi người đọc sách". Thế nhưng trên thị trường hiện nay có không ít những tựa sách không những không đem lại kiến thức cho người đọc mà ngược lại, còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến thẩm mỹ, lối sống, văn hóa. Người ta gọi đó là sách đen!
Sự thật về hủ nữ, đam mỹ
"Đọc cái gì thế này, thứ này mà cũng đọc hả", người mẹ tức giận mắng cô con gái tầm 14-15 tuổi ngay tại gian hàng sách dịch của một nhà sách lớn nhất TP. Đó là một cuốn truyện dày có nhan đề "Hủ nữ Gaga", bìa sách được in theo phong cách truyện tranh với màu sắc tươi tắn, sống động. Theo thông tin trên bìa thì tác phẩm thuộc tủ sách văn học Amun (Công ty Đinh Ti Book) liên kết cùng NXB Văn học thực hiện.
Mở ra, chỉ cần đọc vài trang, có thể hiểu ngay lập tức vì sao người mẹ lại tức giận đến thế. Sách viết về một cô gái Trung Quốc có sở thích xem cảnh quan hệ tình dục giữa 2 chàng trai (đồng tính). Những cô gái như thế ở Trung Quốc bị gọi là "hủ nữ" (nữ nhân hủ bại). Càng đọc càng kinh ngạc với các chi tiết như việc tìm phim quan hệ đồng tính nam đến kỹ thuật che giấu không để người khác phát hiện, tập hợp người cùng sở thích qua mạng... có cảm giác cuốn sách như tài liệu tham khảo để cho các "hủ nữ" học hỏi hơn là tác phẩm văn học phản ánh mặt trái xã hội.
Ngay cạnh đó là một tác phẩm khác của cùng tác giả với nhan đề "Kế hoạch hủ nữ - Bẻ thẳng thành cong" với nội dung kể về một cô gái có ước mơ lấy một anh chàng đồng tính làm chồng. Cô tìm được một anh chàng hợp nhãn nhưng giới tính bình thường, thế là cô làm mọi cách để anh thành đồng tính và cuối cùng đã thành công!
Tìm trên mạng càng sốc hơn khi thể loại truyện kiểu như trên không phải là hiếm. Thậm chí, chúng còn phân loại cụ thể như ngoài "hủ nữ" còn có thể loại "đam mỹ" nói về tình yêu đồng giới giữa những người đàn ông có ngoại hình đẹp, "sư đồ luyến" là về quan hệ thầy trò, "ngược tâm", "ngược thân" là hành hạ nhau về tâm hồn (yêu tay ba tay tư, yêu trả thù...) hay thể xác (hãm hiếp, đánh đập, phá hư thai...). Đặc điểm chung của những sách đen này là thường có chen vào các đoạn miêu tả tình dục đầy sống sượng, xác thịt, các đoạn miêu tả đó thường được gọi là "Hvăn". Trong đó ngoài hai thể loại đã xuất bản chính thức trong nước như kể trên, các loại khác thì hiện đang xuất hiện nhan nhản trên mạng dưới dạng sách điện tử.
Phát tán không giới hạn
Hiện nay, các trang web, mạng xã hội cung cấp loại truyện trên mọc ra như nấm sau mưa. Những nơi này hoạt động dưới nhiều hình thức như tựu trung là mang tính chia sẻ truyện và tập trung những người cùng sở thích. Có thể kể đến những Vfic..., Pho..., tại đây luôn có đội ngũ dịch thuật của riêng mình để dịch những sách đen mới cung cấp cho người đọc. Nhiều người ghiền đến độ suốt ngày vào các địa chỉ này đề tìm đọc chương mới dịch, thậm chí nóng ruột thì có thể dùng các phần mềm phiên dịch tiếng Trung để dịch trực tiếp từ bản gốc. Kinh khủng hơn, người ta còn in các loại sách này ra để cho thuê.
Cuốn theo trào lưu này, nhiều bạn trẻ thậm chí còn mày mò tự sáng tác "hủ nữ", "đam mỹ" cho riêng mình. Thời gian qua, nhiều người thích đọc loại sách này xôn xao truyền tay nhau những chương đầu tiên của một cuốn sách đen dạng "đam mỹ" do một cô gái 14 tuổi (tự giới thiệu) trong nước viết. Có nhiều lý do để giải thích về việc vì sao bạn đọc nhất là bạn đọc trẻ hiện nay lại có xu hướng đọc sách lệch lạc như thế. Có người cho rằng làn sóng K-pop là thủ phạm, khi hâm mộ các boyband (nhóm nhạc nam), các cô gái thường thích trò gán ghép các thành viên trong nhóm, dần dần xuất hiện tâm lý thích thấy con trai yêu nhau và bắt đầu tìm đọc "đam mỹ".
Một lý do khác được đổ cho việc thiếu hụt các sáng tác cho giới trẻ của nhà văn trong nước. Vào nhà sách, tủ sách văn học trẻ trong nước thường lặng lẽ nằm lọt thỏm dưới đáy một kệ sách ở góc, nhường chỗ cho những cuốn sách đen nằm nơi dễ nhận thấy nhất.
Và lý do cuối cùng là việc thiếu quan tâm, từ các nhà quản lý đến các bậc phụ huynh. Như tiến sĩ phê bình văn học Trần Lê Hoa Tranh từng nhận định, các loại sách đen trên bị xếp vào dạng vớ vẩn, không được xem là một hiện tượng văn học đúng nghĩa nên không nhà phê bình nào chú ý. Với phụ huynh thì ít quan tâm con đang đọc gì, cứ nghĩ chịu đọc sách là tốt rồi.
Và thế là, một thế giới sách đen mặc sức tung hoành, từ mạng lan ra đến cả những quầy sách chính thống từng ngày làm ô uế tâm hồn bạn đọc.
YBOOK.vn
- CÁC TIN BÀI KHÁC
-
Giải thưởng hay diễu hành văn chương? (16/11/2020)
Thiên Điểu | TUOITRE.VN
Sau nhiều tháng trì hoãn, giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016 - 2019) của Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức công bố.
-
Nghịch lý ngành xuất bản 'đi lên', văn hóa đọc 'đi xuống' (07/09/2020)
Thiên Điểu | TUOITRE.VN
Có 3/4 cựu bộ trưởng, thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông cho rằng văn hóa đọc đang đi xuống. Trong khi các con số của ngành xuất bản không ngừng tăng trưởng, số tựa sách xuất bản trong 1 năm của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á.
-
Sách cho thiếu nhi thành công thì phải viết câu chuyện kích hoạt tình người sâu sắc (22/07/2020)
Hoài Phương | TUOITRE.VN
Sáng 21-7, tại đường sách TP.HCM, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM tổ chức tọa đàm 'Viết sách cho thiếu nhi' xoay quanh các vấn đề về thực trạng tác giả Việt viết sách cho thiếu nhi hiện nay.
-
Trẻ có cần đọc truyện 'đáng sợ' đến 'rợn sống lưng' không? (20/07/2020)
T.L. tổng hợp và biên dịch | TUOITRE.VN
Việc đọc những câu chuyện "rợn sống lưng" với trẻ con có thể dạy chúng một số bài học quan trọng.
-
Svetlana Alexievich - tác giả mà người Việt Nam rất cần đọc (20/07/2020)
Lam Điền | TUOITRE.VN
Một cuộc trò chuyện xoay quanh ba tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel năm 2015 Svetlana Alexievich vừa diễn ra chiều tối 18-7 tại Đường sách TP.HCM trong cơn mưa rào mùa hạ.